Báo cáo quan trắc môi trường
(Báo cáo công tác bảo vệ môi trường)
Dựa trên Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận, phê duyệt mà các dự án đi vào hoạt động sản xuất, vận hành thương mại sẽ có từng chương trình quan trắc môi trường định kỳ khác nhau. Với tần suất quan trắc dao động từ 3 tháng đến 6 tháng một lần, Chủ doanh nghiệp sẽ tiến hành quan trắc chất lượng môi trường tại dự án và so sánh với các quy chuẩn hiện hành về khí thải, nước thải, môi trường làm việc,… Báo cáo quan trắc môi trường là báo cáo tổng hợp tất cả kết quả quan trắc định kỳ của doanh nghiệp, trong đó ngoài việc báo cáo kết quả quan trắc các bạn còn phải mô tả khái quát tình hình sản xuất kinh doanh của dự án, nguồn phát thải và biện pháp kiểm soát ô nhiễm. Hiện nay, Báo cáo quan trắc môi trường được thay thế bằng Báo cáo công tác bảo vệ môi trường, chỉ thực hiện 1 lần/năm. Vậy Báo cáo công tác bảo vệ môi trường có sự khác biệt thế nào so với Báo cáo quan trắc môi trường? Với chủ trương tiết giảm các loại báo cáo định kỳ về môi trường, Bộ TNMT đã ban hành Thông tư 25/2019/TT-BTNMT (Điều 37) với mục đích kết hợp tất cả các loại báo cáo đơn lẻ thành một báo cáo. Thay vì hằng năm chúng ta phải thực hiện Báo cáo quan trắc môi trường, Báo cáo kết quả quan trắc nước thải/ khí thải tự động liên tục, Báo cáo quản lý chất thải nguy hại, Báo cáo tổng hợp chất thải rắn công nghiệp – chất thải sinh hoạt, thì hiện nay tất cả báo cáo này sẽ được tích hợp vào Báo cáo công tác bảo vệ môi trường.
Khi nào phải lập Báo cáo công tác bảo vệ môi trường?
Dựa trên Báo cáo ĐTM và Kế hoạch BVMT mà doanh nghiệp sẽ có từng giai đoạn quan trắc môi trường khác nhau. Có những dự án phải quan trắc môi trường trong giai đoạn xây dựng (đối với dự án phải xây dựng), và có những dự án chỉ quan trắc trong giai đoạn vận hành (đối với dự án không có giai đoạn xây dựng). Tuy nhiên, dù ở giai đoạn này các bạn cũng sẽ bám sát theo “Chương trình giám sát” đã được phê duyệt để quan trắc đúng vị trí và thông số ô nhiễm yêu cầu.
Các bạn cần phân biệt rõ giữa “Quan trắc môi trường” và “Báo cáo công tác bảo vệ môi trường”. Quan trắc môi trường là hình thức lấy mẫu, thử nghiệm và kiểm soát tình hình ô nhiễm của dự án có nằm trong giới hạn cho phép hay không. Do vậy, việc quan trắc môi trường này cần phải thực hiện định kỳ (3 tháng, 6 tháng). Sau đó dựa trên các kết quả này chúng ta sẽ tổng hợp vào Báo cáo công tác BVMT.
Báo cáo công tác bảo vệ môi trường chỉ thực hiện 1 lần/năm và nộp vào tháng 1 của năm kế tiếp.
Nộp Báo cáo công tác bảo vệ môi trường cho cơ quan nào?
Các cơ quan nhận Báo cáo công tác BVMT thông thường là Bộ TNMT, Sở TNMT, Phòng TNMT, Ban quản lý các KCN. Tuy nhiên, để đảm bảo nộp đúng nơi quy định, các bạn kiểm tra lại trong Báo cáo ĐTM hoặc Kế hoạch BVMT của dự án để biết được chính xác nơi cần nộp. Bên dưới là hướng dẫn sơ bộ (chỉ mang tính chất tham khảo):
Đối tượng | Nơi nhận Báo cáo công tác BVMT |
Dự án thuộc đối tượng lập Báo cáo ĐTM cấp Bộ/ Sở (không nằm trong KCN) |
– Bộ TNMT
– Sở TNMT
|
Dự án thuộc đối tượng lập Báo cáo ĐTM cấp Bộ/ Sở (nằm trong KCN) |
– Bộ TNMT
– Sở TNMT
– Ban quản lý KCN
|
Dự án thuộc đối tượng lập Kế hoạch BVMT cấp Sở/ Phòng (nằm trong KCN) |
– Sở TNMT
– Phòng TNMT
– Ban quản lý KCN
|
Dự án thuộc đối tượng lập Kế hoạch BVMT cấp Sở/ Phòng (không nằm trong KCN)
|
– Sở TNMT
– Phòng TNMT
|
Đối tượng, tần suất quan trắc môi trường?
Đối tượng và tần suất quan trắc môi trường như sau:
Đối tượng | Tần suất quan trắc môi trường |
Dự án có tổng lưu lượng nước thải (theo tính toán tối đa hoặc công suất đã được phê duyệt) từ 20m3/ngày hoặc 5.000 m3 khí thải/giờ trở lên và thuộc đối tượng phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường. | 3 tháng/lần |
Dự án có tổng lưu lượng nước thải (theo tính toán tối đa hoặc công suất đã được phê duyệt) từ 20m3/ngày hoặc 5.000 m3 khí thải/giờ trở lên và thuộc đối tượng phải lập Kế hoạch bảo vệ môi trường. |
6 tháng/lần
|
Các dự án không thuộc trong bảng trên liệu có phải quan trắc môi trường định kỳ hay không? Hiện nay, theo quy định chung của luật các bạn sẽ không cần phải quan trắc môi trường. Tuy nhiên, một số cơ quan chuyên ngành tại địa phương vẫn sẽ có những yêu cầu riêng biệt về việc quan trắc môi trường nên để đảm bảo thực hiện chính xác, các bạn vẫn quan trắc môi trường theo Báo cáo ĐTM/ Kế hoạch BVMT/ Đề án BVMT đã được phê duyệt trừ khi có thông báo chính thức của địa phương nhé.
Câu hỏi tiếp theo mà các bạn rất quan tâm đó là không thuộc đối tượng phải quan trắc môi trường thì có cần phải lập Báo cáo công tác BVMT hay không? Câu trả lời là có. Vì Báo cáo công tác BVMT là báo cáo tích hợp các loại báo cáo định kỳ về môi trường nên các bạn vẫn phải báo cáo về tình hình sản xuất, hoạt động kinh doanh và tình hình phát sinh – quản lý chất thải.
Hình ảnh quan trắc môi trường tại doanh nghiệp
Căn cứ quan trắc môi trường và lập Báo cáo công tác bảo vệ môi trường?
- Luật Bảo vệ môi trường;
- Nghị định 40/2019/NĐ-CP;
- Thông tư 25/2019/TT-BTNMT;
- Chương trình quan trắc môi trường đã được phê duyệt trong ĐTM/ Kế hoạch BVMT/ Đề án BVMT.
Hồ sơ cần thiết phải có để lập Báo cáo công tác bảo vệ môi trường?
Tuỳ thuộc vào nội dung báo cáo của bạn gồm những gì mà bạn sẽ chuẩn bị những hồ sơ khác nhau, bên dưới Chúng tôi liệt kê những hồ sơ tổng quan nhất mà một Báo cáo công tác BVMT cần phải có:
- Giấy chứng nhận đầu tư;
- Giấy đăng ký kinh doanh;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc thay thế bằng: Hợp đồng thuê đất;
- Quyết định phê duyệt ĐTM hoặc Đề án BVMT, Giấy xác nhận đăng ký Kế hoạch BVMT;
- Kết quả quan trắc môi trường;
- Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại;
- Hợp đồng thu gom xử lý nước thải (nếu dự án nằm trong KCN), các hợp đồng về thu gom chất thải rắn, chất thải nguy hại;
- Biên bản bàn giao chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, sản phẩm thải lỏng;
- Chứng từ thu gom xử lý chất thải nguy hại;
- Giấy phép xả thải/ Giấy phép khai thác nước (nếu có);
- Kết quả quan trắc môi trường khí thải/ nước thải tự động, liên tục.
Quy trình thực hiện Báo cáo công tác bảo vệ môi trường?
Đối với việc quan trắc chất lượng môi trường, doanh nghiệp cần lựa chọn những trung tâm phân tích môi trường đã được chứng nhận đủ điều kiện hoạt động (Vimcerts, Vilas) hoặc các công ty tư vấn môi trường có hợp đồng hợp tác với trung tâm phân tích. Quy trình thực hiện Báo cáo công tác bảo vệ môi trường như sau:
- Quan trắc môi trường định kỳ hàng quý theo quy định;
- Thu thập giấy tờ, thông tin số liệu hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 1 năm;
- Tổng hợp kết quả quan trắc môi trường, lập bảng và đối chiếu với các quy chuẩn hiện hành;
- Đánh giá hiệu quả xử lý của các công trình xử lý chất thải;
- Tổng hợp, kiểm tra các biên bản bàn giao chất thải, chứng từ chất thải nguy hại;
- Tổng hợp thông tin, lập báo cáo và trình nộp cơ quan chuyên ngành.
Thời gian lập Báo cáo công tác bảo vệ môi trường?
- 7 – 10 ngày làm việc.